Mâm quả Lễ Hỏi và Lễ Cưới của người Miền Tây gồm những gì?

    Đối mặt với xu hướng phát triển cùng sự du nhập của nhiều nền văn hóa hiện nay thì Lễ cưới, hỏi đã có phần giản lược hơn.

    Hầu hết chúng ta đã đơn giản bớt những thủ tục, lễ nghi rườm rà theo lối cưới truyền thống. Nhưng không vì vậy mà làm mất đi bản sắc của nghi lễ cưới hỏi người Việt Nam nói chung và người Miền Tây Nam Bộ nói riêng.

    Ngày cưới, hỏi là ngày trọng đại của cả đời người, là ngày vô cùng quan trọng của các cặp đôi trước khi bắt đầu bước vào cuộc sống hôn nhân của cả hai. Vì thế, việc chuẩn bị cần rất nhiều thời gian và công sức.

    Khâu chuẩn bị mâm quả tươm tất và đầy đủ trong Lễ cưới, Lễ hỏi là điều không thể thiếu. Tuy nhiên đối với các bạn trẻ hiện nay không phải ai cũng biết rõ về Mâm quả cưới hỏi của người Miền Tây.


Phù dâu phù rể trao mâm cho nhau trước khi vào rước dâu (8 mâm)
Ảnh được chụp bởi NhanNgo.Com

    Hôm nay NhanNgo.Com sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về Mâm quả Lễ Hỏi (đám Nói) và Lễ Cưới của người Miền Tây gồm những gì? Nó có ý nghĩa như thế nào? Sau khi đọc xong bài viết NhanNgo.Com tin chắc bạn sẽ chuẩn bị được những mâm quả đúng, đầy đủ và đẹp nhất có thể.

    Cũng giống như Miền Bắc và Miền Trung, mâm quả đám cưới ở Miền Tây cũng có chung một ý nghĩa đó là cầu mong sự sung túc, trọn vẹn và hạnh phúc cho đôi trẻ. Theo truyền thống Lễ hỏi nhà trai sẽ mang lễ vật sang để xin nên duyên vợ chồng gồm rất nhiều hiện vật có giá trị được để trong một mâm quả sơn đỏ hoặc vàng, một số nơi còn gọi là tráp. 

    Số mâm quả sẽ được hai bên gia đình cùng thống nhất, thay đổi sao cho phù hợp và tiện lợi tùy theo từng vùng miền. Trong khi mâm quả miền Bắc và miền Trung thường có 8 mâm thì mâm quả đám cưới hỏi miền Tây thường chỉ có 6 mâm, mỗi mâm sẽ có những ý nghĩa của riêng nó.

    Ngoài ra còn tùy thuộc vào điều kiện gia đình nhà trai mà số lượng mâm quả có thể tăng lên nhưng đối với người Miền Tây nhất thiết phải là số chẵn.

    Theo truyền thống ngày hỏi là ngày Đại đăng khoa, ngày cưới là ngày Tiểu đăng khoa nên số lượng và chất lượng mâm quả ngày hỏi sẽ nhiều hơn hoặc ngang bằng với ngày cưới. Tuy nhiên vẫn có một số nơi “biến tấu” làm ngược lại.

Mâm quả được nhà trai chuẩn bị trước khi sang nhà gái (6 mâm)
Ảnh được chụp bởi NhanNgo.Com

Tại sao người miền Tây chọn số mâm quả chẵn 6 quả hoặc 8 quả?

    Đám cưới hỏi phải luôn có cặp có đôi, do đó số chẵn là được xem là số mang nhiều ý nghĩa. Bên cạnh đó, số 6 theo phát âm tiếng Hán là lục nghe giống chữ lộc mang ý nghĩa lộc đến nhà. Còn số 8 phát âm là bát giống chữ phát mang ý nghĩa phát đạt phát tài. Từ đó 6 hoặc 8 mâm quả thường được chọn.

Những lễ vật trong 6 mâm quả của người miền Tây gồm những gì?
Mâm trầu cau

    Mâm trầu cau là biểu tượng tình nghĩa sắt son vợ chồng bắt nguồn từ câu chuyện “Sự tích trầu cau” còn tương truyền cho đến ngày nay.

    Mâm trầu còn dùng trong lễ dỡ mâm trầu, khi đó cô dâu cùng chú rể người bẻ đôi cau, người lấy cặp lá trầu bỏ vào dĩa nhỏ đặt lên bàn thờ tổ tiên.

    Mâm trầu cau thường sẽ được bố trí khoảng 60 trái cau trở lên và số lượng trầu gấp đôi số lượng cau nghĩa là 120 lá trở lên để mâm có thể đầy đặn.

    Nhưng hiện này vì một số điều kiện mâm trầu có thể được gia đình hai bên thỏa thuận trước và “chế” không có mâm trầu cau và lễ dỡ mâm trầu cau.

Mâm trà và Mâm rượu
    Mâm trà và mâm rượu là hai mâm không thể thiếu, gần nhưng 100% đám cưới Miền Tây đều phải có. Người có tổ có tông, mâm trà rượu là phẩm vật dâng lên bàn thờ tổ tiên để thể hiện sự hiếu kính của con cháu.

    Mâm trà và mâm rượu bao gồm hai cặp rượu, hai cặp trà được gói giấy đỏ cẩn thận.

Mâm bánh phu thê (bánh xu xê).

    Đây là mâm thường xuất hiện không chỉ vì cái tên trong tiếng Hán “phu thê” có nghĩa là bánh “Vợ chồng” mà nó còn tượng trưng cho đất trời, sự đồng thuận âm dương, sự gắn kết trọn đời của cô dâu chú rể. Thường khi lễ xong mâm bánh phu thê được phát cho mỗi người 1 cái “ăn lấy thảo” theo cách của người Miền Tây vì họ quan niệm rằng sẽ được hưởng lây sự may mắn tròn đầy.

    Bánh phu thê thường được trang trí bằng những chiếc tem đỏ in chữ Hỷ sau đó được sắp xếp gọn gàng vào mâm quả và dán keo trong cố định cẩn thận.

Mâm trái cây

    Thường những trái cây đơn giản phổ biến nhất là táo, nho tùy vào điều kiện gia đình nhà trai, cầu kỳ hơn bạn có thể thuê dịch vụ làm mâm Long-Phụng từ trái cây nhưng khá tốn kém.

Mâm Bánh Kem

    Dùng để sau khi làm lễ chính thức thành vợ chồng, cặp đối thực hiện cắt bánh và đút cho nhau ăn “bữa ăn đầu tiên” sau khi nên nghĩa vợ chồng. Ngoài công dụng đó nó còn làm đẹp để NhanNgo.Com chụp ảnh cho bạn.

Mâm xôi

    Thường là xôi gấc có ý nghĩa tượng trưng cho sự mềm dẻo, hòa thuận mà dâu rể cư xử với nhau, ngoài ra nó còn thể hiện được sự no ấm đủ đầy, sung túc.

Một số mâm khác

    Ngoài nhưng mâm nên có kể trên người Miền Tây thường có thêm các mâm: Đường, bột ngọt, bánh bông lan, bánh quy… ngoài ra gia đình có điều kiện sẽ chuẩn bị thêm một con heo quay đi kèm mâm quả.

Đoàn người nhà trai bưng mâm quả sang nhà gái rước dâu
Ảnh được chụp bởi NhanNgo.Com


Nhân Ngô sẽ tư vấn cho bạn

    Sau một hồi tìm hiểu thì bạn cảm thấy bối rối khi có quá nhiều sự lựa chọn. NhanNgo.Com sẽ giúp bạn đưa ra sự lựa chọn hợp lý nhất.

    Thứ nhất nếu bạn chọn sự đơn giản bao gồm 6 mâm:

Mâm trầu cau, mâm trà, mâm rượu, mâm táo, mâm bánh Bông Lan (có thể thêm mâm đường, bột ngọt nếu như không có mâm trầu cau)

    Sự lựa chọn thứ hai bao gồm 8 mâm: 

Mâm trầu cau, mâm bánh phu thê, mâm táo và nho, mâm trà, mâm rượu, mâm bánh kem, mâm xôi, mâm bánh quy bơ.

    Ngoài ra trên thị trường hiện tại có rất nhiều dịch vụ trang trí mâm sẵn, giá dao động từ năm trăm đến một triệu đồng cho mỗi mâm.

    Riêng phần mâm quả bạn có thể thuê được ở các tiệm áo cưới thường thì sẽ được tặng kèm các dịch vụ chụp ảnh cưới, thuê váy cưới.

    Nếu bạn còn cảm thấy có điều gì thắc mắc hãy inbox cho Nhân Ngô qua Fanpage NhanNgo.Com. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp cho bạn và nó hoàn toàn miễn phí!


 

Share:
Copyright © NhanNgo.Com. Designed by NhanNgo